Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 8 - 2018

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 8 dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm thịt bò, thịt gia cầm ổn định, thịt lợn duy trì mức giá cao, có lãi cho người chăn nuôi nên chăn nuôi tiếp tục phát triển.

Chăn nuôi trâu, bò:

Đàn trâu, bò trong tháng phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn bò tăng do hiệu quả kinh tế cao và thị trường tiêu thụ tốt. Theo Tổng cục Thống kê ước tính đến tháng 8, tổng đàn trâu của cả nước giảm 1,3%, tổng đàn bò tăng 2,1% so với cùng thời điểm năm 2017.

Chăn nuôi lợn:

Giá lợn hơi trong tháng 8 tiếp tục duy trì ở mức cao trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở miền Bắc đang được thu mua trong khoảng 52.000 đồng đến 55.500 đồng/kg, so với năm 2017, giá lợn hơi ở thời điểm này đã tăng gấp đôi. Giá lợn bắt đầu tăng từ tháng Tư và giữ ở mức cao trong 2 tháng gần đây đã khiến các hoạt động tái đàn, quay trở lại nuôi diễn ra khởi sắc hơn trên khắp cả nước. Tuy vậy, nếu giá thịt lợn tiếp tục giữ ở mức cao sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng và giảm sức cạnh tranh của thịt lợn nội địa, nhất là trong bối cảnh thịt lợn ngoại nhập khẩu với giá rẻ hơn có xu hướng tăng. Ước tính đến tháng Tám, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 0,2% so với cùng thời điểm năm 2017.

Chăn nuôi gia cầm:

Đàn gia cầm trong tháng 8 tiếp tục phát triển khá, thị trường tiêu dùng ổn định khiến người chăn nuôi yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô đàn. Ước tính đến tháng Tám, tổng đàn gia cầm cả nước tăng 5,9% so với cùng thời điểm năm 2017.

Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng ước đạt 355 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm đạt 17,5 triệu USD (tăng gấp 3 lần); sữa và các sản phẩm từ sữa đạt 70 triệu USD (tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2017).

THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI TRONG NƯỚC

Trong tháng 8/2018, ngành chăn nuôi toàn cầu gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia trên thế giới. Tại Pháp, dịch bệnh than nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua bùng phát khi thiếu hụt vắcxin phòng bệnh và hiện đã lan ra 28 trang trại ở khu vực miền Đông Nam nước này.

Tại Canada, dịch tiêu chảy cấp trên lợn cùng với các lệnh kiểm soát môi trường của chính phủ nước này khiến sản lượng thịt lợn giảm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, sự bùng phát của dịch bệnh sốt heo châu Phi (ASF) đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ ASF sẽ lan rộng ra khắp đàn lợn tại Trung Quốc, cũng như lan sang các nước khác ở châu Á. Theo Báo cáo của Tổ chức Thú y Thế giới, 615 con lợn đã bị nhiễm bệnh và 88 con bị chết, với gần 530 con bị tiêu hủy. Các nhà phân tích cho rằng trong ngắn hạn, các nông dân sản xuất nhỏ sẽ phải bán tháo đàn lợn, đẩy giá thịt lợn giảm. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần kiểm soát chặt các trường hợp đưa lợn từ Trung Quốc qua biên giới.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 8 năm 2018 ước đạt 46 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 355 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Bảy tháng đầu năm 2018 giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm chiếm 17,5 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 5,7% thị phần;

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ trâu, bò và lợn đạt 1,9 triệu USD và 24,3 triệu USD, giảm 60,4% và giảm 55,8% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị xuất khẩu phụ phẩm sau giết mổ giảm 1,9%; giá trị sữa và các sản phẩm từ sữa tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2017 và thị phần chiếm lần lượt là 54,8% và 22.6%.

Giá trị nhập khẩu chăn nuôi 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2017, ước giá trị nhập khẩu chăn nuôi tháng 8 năm 2018 đạt 161,67 triệu USD, nâng giá trị nhập khẩu ngành hàng chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2018 đạt 1,71 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá lợn hơi trong nước có xu hướng biến động mạnh trong tháng 8/2018. Sau khi tăng mạnh và có thời điểm chạm mốc 57.000 đồng/kg, là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua tại một số tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Hải Dương trong 10 ngày đầu tháng 8, giá lợn hơi bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, chủ yếu nhờ vào việc Văn phòng Chính phủ và Bộ NN&PTNT liên tiếp đưa ra hướng dẫn bình ổn giá thịt lợn. Giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm 4.000 đ/kg xuống còn 52.000 đ/kg. Tại Hà Nam, thủ phủ nuôi lợn miền Bắc, giá lợn hơi giảm khoảng 4.000 – 5.000 đ/kg xuống 50.000 – 51.000 đ/kg. Tại Bắc Ninh, giá lợn cũng giảm xuống còn 50.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định đồng loạt giảm 5.000 – 7.000 đ/kg, tại Phú Thọ đạt 49.000 đ/kg; Thái Nguyên và Nam Định còn 51.000 đ/kg. Tại Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, giá lợn đạt khoảng 47.000 – 48.000 đ/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi cũng giảm từ 3.000 – 6.000 đ/kg xuống còn 47.000 – 50.000 đ/kg.

Giá lợn hơi tại một số tỉnh phía Nam như An Giang và Bến Tre giảm 1.000 đ/kg, xuống lần lượt 51.000 đ/kg và 49.000 đ/kg. Các địa phương khác, giá lợn hơi duy trì ổn định, với các tỉnh trọng điểm như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau … vẫn đạt mức 50.000 – 51.000 đ/kg; Tiền Giang đạt 52.000 đ/kg.

Dự báo giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao trong một vài tháng tới, và có thể sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ thịt nhập khẩu do ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến ngành thịt lợn Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Do đó, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn cần cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh với thịt nhập khẩu, và nâng cao chất lượng để hướng đến xuất khẩu.

THỊ TRƯỜNG XUẤT NHẬP KHẨU

Thức ăn gia súc và nguyên liệu NK:

Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 8/2018 ước đạt 246 triệu USD, đưa tổng giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2018 đạt 2,46 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017. Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2018 là Achentina, Hoa Kỳ, và Brazil, chiếm thị phần lần lượt là 31,7%, 16,7% và 13,3%. Các thị trường có giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Braxin (gấp hơn 4 lần), Hoa Kỳ (gấp 2,1 lần) và Trung Quốc (+50,6%). Ngược lại, thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng này giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017 là Archentina (-25,9%) và Indonesia (-14,8%).

Ngô:

Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 8/2018 đạt 585 nghìn tấn với giá trị đạt 126 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 6,03 triệu tấn và giá trị đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,1% về khối lượng và tăng 28,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt là 48,7% và 8,5% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm 2018 là thị trường Ấn Độ (gấp hơn 18,85 lần) và Achentina (+17,1%). Thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng ngô giảm mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan với mức giảm là 75,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Đậu tương:

Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 8/2018 đạt 191 nghìn tấn với giá trị 81 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị đậu tương nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 1,21 triệu tấn và 526 triệu USD, tăng 1,8% về khối lượng và tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Lúa mì:

Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 8/2018 đạt 297 nghìn tấn với giá trị đạt 68 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 3,39 triệu tấn và 806 triệu USD, tăng 0,3% về khối lượng và tăng 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ba thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 7 tháng đầu năm 2018 là Nga, Úc và Canada với thị phần lần lượt là 48,6%, 27,4% và 9,8%. Các thị trường có giá trị nhập khẩu lúa mì tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017 là Nga (gấp 31,9 lần ) và Hoa Kỳ (gấp 16,1 lần).

 Sắn và các sản phẩm từ sắn XK:

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 8 ước đạt 87 nghìn tấn với giá trị 39 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 1,67 triệu tấn và 633 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, mặc dù lượng sắn xuất khẩu sụt giảm mạnh so với năm 2017 nhưng giá sắn xuất khẩu trong nửa đầu năm 2017 lại tăng mạnh 48% so với cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 87,3% thị phần, giảm 27% về khối lượng nhưng tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu sắn lát của Việt Nam (FOB) trong tháng 8 tăng nhẹ 5$ lên 237 USD/tấn, giá tinh bột sắn xuất khẩu được chào giá ở mức 505 USD/tấn (tăng 5 USD so với tháng trước) sau khi Thái Lan này tăng nhẹ giá chào bán 5 USD lên 490 USD/tấn trong tháng 8. Giá sắn lát xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng nhẹ do ảnh hưởng từ bão số 4 khiến các tàu/đò chở tinh bột sắn từ miền Trung và miền Nam không ra được như dự kiến trong khi tồn kho tại Đông Hưng giảm mạnh, giá tinh bột sắn giao ngay tại Móng Cái tăng lên mức 3450 tệ/tấn (tăng 50 tệ/tấn). Tại Lạng Sơn, giá tinh bột sắn cao nhất đạt 3560 tệ/tấn. Sang tháng 9 dự báo do đồng nhân dân tệ biến động thất thường, cộng với giá sắn và tinh bột thành phẩm tại Tây Ninh không giảm như dự kiến nên các thương nhân giao dịch thận trọng, không đầu cơ như những năm trước. Thị trường sắn lát được dư báo sẽ diễn ra sôi động khi mà nhu cầu sử dụng sắn lát tăng trong tháng 9 do nhiều xưởng chế biến thực phẩm hoạt động trở lại phục vụ cho dịp tết trung thu. Ngoài ra, sự hoạt động trở lại của các nhà máy cồn và hóa chất tại Trung Quốc cũng là yếu tố tích cực đóng góp và sự sôi động này.

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com

Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 8 - 2018

Chia sẻ:

KP. Hiệp Thắng, P. Bình Thắng, TX. Dĩ An, Bình Dương

Tel/Fax:    0274 3739 899

Email:         iasvn@iasvn.vn

Website:    iasvn.vn

© Copyright 2018 www.iasvn.vn, all rights reserved

Thiết kế và phát triển bởi Webso.vn