Tình hình chăn nuôi cả nước năm 2018

TÌNH HÌNH CHUNG 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai kế hoạch năm 2018 trong điều kiện khá thuận lợi về thời tiết, tuy nhiên, cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là: (1) Tiêu thụ nông sản phải cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu và chịu tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; (2) Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là nguy cơ xâm nhập dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam; (3) Những yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán, mặc dù đã được khắc phục nhiều, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, ngành chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Cơ cấu lại,xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính gia súc, gia cầm; giải quyết căn bản tình trạng cân đối cung – cầu thịt lợn; giá các sản phẩm thịt lợn, thịt bò, gia cầm có lợi cho người chăn nuôi. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như thịt lợn đông lạnh chính ngạchsang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản. Tổng sản lượng thịt hơi 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%).

Để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, bảo vệ sản xuất trong nước và ổn định thị trường trước đà tăng mạnh của giá thịt lợn hơi và người chăn nuôi đẩy mạnh tăng đàn, Bộ đã kịp thời tổ chức họp khẩn với các cơ quan liên quan và 12 doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi để thống nhất triển khai các biện pháp kìm hãm đà tăng giá xuống mức phù hợp.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, sản xuất ngành chăn nuôi những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, nhất là những năm gần đây ngành chăn nuôi đã tái cơ cấu lại theo hướng chăn nuôi tập trung, phát triển nhanh loại hình chăn nuôi trang trại, hộ lớn áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình quản lý tiên tiến, đang từng bước hình thành các chuỗi liên kết, phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, HTX. Nhiều TBKT mới, công nghệ cao đã được hình thành trong đại trà sản xuất chăn nuôi, như việc nhập và chọn tạo các loại giống vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt; phát triển mạnh công nghiệp chế biến TACN, chế biến sữa, công nghệ tự động hóa về chuồng trại và tiếp đây là công nghiệp giết mổ, chế biến, xử lý môi trường và kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi… Tốc độ tăng trưởng của ngành thời gian qua luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp, bình quân duy trì ở mức 5-6%/năm, góp phần giữ mức tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu có xuất khẩu. Từ năm 2005 đến nay sản lượng thịt các loại tăng trên 3 lần (từ 1,6 triệu tấn lên 5,3 triệu tấn), trứng tăng 3,9 lần (từ 3,0 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả), sữa tươi tăng 18,6 lần (từ 51,5 ngàn tấn lên 960 ngàn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 4,8 lần (từ 4,3 triệu tấn lên 21,5 triệu tấn).

Tăng trưởng đàn vật nuôi năm 2018

- Đàn lợn tiếp tục tăng trưởng tốt cả về quy mô đầu con và sản lượng, vượt so với kế hoạch năm 2018 đề ra, ước tính trong năm 2018 sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017 (kế hoạch năm 2018 là 3,77 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2017).

Tại một số địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam… sau khi phục hồi kể từ đợt khủng hoảng năm 2017, quy mô chăn nuôi lợn đã dịch chuyển sang hướng tập trung công nghiệp, trang trại lớn và hộ chuyên nghiệp (theo số liệu thống kê sơ bộ hiện nay tại tỉnh Đồng Nai có khoảng 94% tổng đàn lợn được nuôi tại trang trại; số liệu trang trại của tỉnh Thái Nguyên là 789, tăng gần 10% so với năm 2017).

- Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dự tính cả năm 2018 sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 1.094,8 ngàn tấn, tăng 6,1% so với năm 2017; sản lượng trứng đạt khoảng 11,8 tỷ quả, tăng 11% so với năm 2017.

- Sản lượng thịt trâu tăng gần 1% đạt 98,9 ngàn tấn; sản lượng thịt bò tăng 2,0 % đạt 350 ngàn tấn và sữa tươi tăng khoảng 9% đạt gần 960 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2017; tổng đàn dê ước đạt 2,58 triệu con, tăng 25 % so với năm 2017.

Dịch bệnh: Theo Cục Thú y – Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm 31/12/2018, tình hình dịch bệnh trong cả nước như sau:

Dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC)

Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh tại các địa phương.

Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch CGC A/H5N6 xảy ra tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (đã qua 13 ngày không có gia cầm mắc mới) và 01 ổ dịch cúm A/H5N1 tại xã xã Tân Tiến, huyện Krông Păc, tỉnh Đắk Lắk (đã qua 12 ngày không có gia cầm mắc mới).

Dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc (LMLM)

* Thành phố Hà Nội: Trong ngày, không có báo cáo về ổ dịch mới phát sinh.

* Tỉnh Hoà Bình: Trong ngày, không có báo cáo về ổ dịch mới phát sinh.

* Tỉnh Hà Nam: Trong ngày, không có báo cáo về ổ dịch mới phát sinh.

* Tỉnh Bắc Ninh: Trong ngày, không có báo cáo về ổ dịch mới phát sinh.

* Tỉnh Hà Tĩnh: Trong ngày, không có báo cáo về ổ dịch mới phát sinh tại địa phương.

Theo báo cáo cập nhật của các địa phương và kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, hiện nay cả nước có 23 ổ dịch LMLM xảy ra tại 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội (04 ổ dịch), Hòa Bình (02 ổ dịch), Bắc Ninh (09), Hà Nam (02 ổ dịch), Hà Tĩnh (06 ổ dịch) chưa qua 21 ngày; các ổ dịch khác không phát sinh gia súc mắc bệnh.

Dịch bệnh Tai xanh trên lợn

Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh tại các địa phương.

Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh Tai xanh.

Nhận định tình hình dịch bệnh

a) Đối với CGC

- Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút CGC (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

- Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống CGC; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có mẫu giám sát cho kết quả dương tính với các chủng vi rút CGC có nguy cơ gây bệnh ở gia cầm và gây bệnh ở người; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút CGC và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (Công văn số 2904/TY-DT ngày 28/12/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

b) Đối với LMLM

- Nguy cơ tiếp tục phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao.

- Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút LMLM và khuyến cáo sử dụng vắc xin năm 2018 (Công văn số 1635/TY-DT ngày 17/7/2018) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

c) Đối với Tai xanh trên lợn

- Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.

- Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (Công văn số 2904/TY-DT ngày 28/12/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam

a) Tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên thế giới

- Trên thế giới: Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 28/12/2018, đã có 19 quốc gia gồm: Bỉ, Bun-ga-ri, Cộng hòa Sát, Trung Quốc, Cote D’Ivoire (Bờ biển Ngà), Cộng hòa Séc, E-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Kê-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va, Môn-đô-va, Ni-giê-ri-a, Ba Lan, Ru-ma-ni, Liên Bang Nga, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

- Tại Trung Quốc: Theo thông tin cập nhật từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 28/12/2018, Trung Quốc thông báo tổng cộng có trên 98 ổ dịch xuất hiện tại 23 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Cát Lâm, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Quý Châu, Hồ Bắc, Giang Tây, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Thiên Tân, Trùng Khánh, Khu tự trị Nội Mông, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiểm Tây, Thanh Hải và Quảng Đông. Tổng cộng đã có hơn 706 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

- Tại Việt Nam: Chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

b) Nhận định tình hình

- Nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, các vùng có dịch bệnh là rất cao.

- Tại Trung Quốc, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện trên xúc xích đựng trong hành lý của hành khách người Trung Quốc tại sân bay của Hàn Quốc; trong xúc xích, nhân bánh bao của du khách từ Trung Quốc tại sân bay của Nhật Bản; trong xúc xích của du khách đi từ Trung Quốc sang Chiang Rai, Thái Lan vào cuối tháng 11/2018) cũng có thể đưa vi rút bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

 THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI

- Thịt lợn:

Giá lợn thịt bắt đầu hồi phục từ tháng 4/2018 sau đúng 01 năm xuống thấp (Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 597/TTg-NN ngày 28/4/2017 đưa ra ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp người chăn nuôi lợn ổn định và phát triển sản xuất) giá lợn hơi tiêu chuẩn loại siêu nạc có khối lượng từ 100-120 kg/con đã vượt ngưỡng 30.000 đ/kg và tăng lên 35.000 – 38.000 đ/kg trong tháng 4-5/2018 sau đó tăng cao lên 50.000-53.000 đ/kg trong suốt Quý 3, có thời điểm ở một số vùng giá lợn hơi đã lên đến 55.000 – 58.000 đ/kg, gây tác động lớn đến việc tăng chỉ số CPI, nhất là thời điểm tháng 6 và tháng 7 giá lợn hơi đã tăng trên 8% so với tháng 5 và tác động tới 0,34 % trong hệ số tăng giá giá tiêu dùng mà Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT phải khẩn trương tìm biện pháp kiểm soát giá lợn thịt trong nước.

Cục Chăn nuôi đã tham mưu kịp thời cho Bộ trưởng chỉ đạo triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp giảm giá và tăng nguồn cung lợn thịt ổn định thị trường, trong đó chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra nắm sát nguồn cung và thông tin đầy đủ, kịp thời cho người chăn nuôi, người kinh doanh thực phẩm biết để điều điều chỉnh sản xuất, thị trường, bán lợn đúng tuổi, trách đầu cơ gây khan hiếm nguồn cung cục bộ làm tăng giá ảo trên thị trường. Đặc biệt là việc Bộ trưởng cho họp với 12 doanh nghiệp có thị phần chi phối đến thị trường lợn thịt trong nước thời điểm tháng 8/2018, trong đó đề nghị các doanh nghiệp đồng thuận giảm giá bán và tăng lượng lợn thịt cung ứng cho thị trường nhằm ổn định ngành hàng thịt lợn, hạn chế nguy cơ nhập khẩu ồ ạt lợn thịt vào thị trường nước ta đã được các doanh nghiệp đồng tình và giá lợn thịt từng bước được kiềm chế theo chiều hướng giảm dần kể từ tháng 10 và tháng 11/2018, hiện nay giá lợn hơi xuất chuồng bình quân tại các tỉnh miền Bắc duy trì ở mức từ 44.000-46.000 đg/kg, miền Trung 47.000-48.000 đg/kg, miền Nam 48.000-50.000 đg/kg.

- Thịt, trứng gia cầm

Giá thịt gia cầm các loại, nhất là gà công nghiệp lông trắng trong tháng 3 và tháng 4 đã giảm so với tháng 01 và 02/2018 cũng như với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, đối với gà lông màu nuôi thả vườn, thì giá cao hơn so với cùng kỳ 2017, riêng thời điểm tháng 3 đã tăng cao hơn tới 34%. Thời điểm tháng 5/2018 giá gà công nghiệp lông trắng đã tăng trở lại, bình quân dao động quanh mức 32.000-36.000 đg/kg ở miền Bắc và 26.000-29.000 đg/kg ở miền Nam.

Hiện nay, tại miền Nam giá gà lông màu nuôi công nghiệp bình quân dao động từ 40.000-41.000 đg/kg, tại miền Bắc giá bình quân từ 35.000-37.000 đg/kg. Giá gà công nghiệp lông trắng tiếp tục theo xu hướng giảm, bình quân tại miền Nam dao động trong khoảng 23.000-25.000 đg/kg (giá bình quân tháng 10/2018 là 27.000-28.000 đg/kg), còn tại miền Bắc giá bình quân dao động từ 25.000-27.000 đg/kg (so với giá bình quân tháng 10/2018 là 28.000-30.000 đg/kg).

Trong năm 2018, giá trứng gà biến động từ 12.000 đồng/1 chục thời điểm đầu năm lên 15.000-17.000 đồng/1 chục các tháng giữa năm, hiện tại giá bình quân tại miền Bắc dao động từ 16.000-18.000 đg/1 chục, miền Nam giá khoảng 14.500-16.500 đg/1 chục; giá trứng vịt dao động từ 18.000-22.000 đồng/1 chục.

- Giá một số sản phẩm khác

Giá sữa tươi ổn định tại miền Bắc từ 12.000-13.000 đg/lít, tại miền Nam bình quân khoảng 14.000 đg/lít; giá thịt bò hơi bình quân dao động từ 60.000-70.000 đg/kg tại cả 2 miền.

Đây là những mức giá sản phẩm chăn nuôi mà người chăn nuôi, doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi đều có lãi và người tiêu dùng thực phẩm trong nước chấp nhận được.

c) Giá một số nguyên liệu thức ăn chính năm 2018 (đg/kg)

Tính bình quân năm 2018, giá hầu hết giá các nguyên liệu thức ăn đều tăng so với năm 2017, đặc biệt giá của các nguyên liệu sử dụng chính trong khẩu phần như ngô hạt (tăng 28,7%), khô dầu đậu tương (tăng 26,9%), sắn lát (tăng 37,6%) axit amin tổng hợp (Methionine tăng 16,7%, Lysin tăng 35,8%). Giá nguyên liệu thức ăn tăng chủ yếu là do giá nguyên liệu trên thế giới tăng.

Nhằm trách tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng giá sản phẩm chăn nuôi tăng và giá nguyên liệu tăng để ồ ạt tăng giá thức ăn chăn nuôi thánh phẩm, gây bất ổn thị trường, Cục Chăn nuôi đã có nhiều văn bản chị đạo các địa phương, doanh nghiệp và tham mưu để Bộ trưởng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh tăng cường tuyên truyền, kiểm tra hạn chế thấp nhất việc tăng giá đầu vào sản xuất chăn nuôi, nhất là mặt hàng TACN nên về cơ bản giá TACN thành phẩm đã được kiểm soát tốt, góp phần ổn định nhanh tình hình thị trường và sản xuất chăn nuôi, cụ thể giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt giai đoạn xuất chuồng và cho lợn thịt giai đoạn vỗ béo (từ 60 kg đến xuất chuồng) của các tháng trong năm 2018 chỉ tăng  so với cùng kỳ năm 2017 từ 4% đến 11,5% đối với gà thịt, từ 7,1% đến 13,6% đối với lợn thịt (trong khi bình quân giá lợn thịt năm 2018 cao hơn năm 2017 từ 50-70%).

d) Xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi

- Về nhập khẩu: ước tính năm 2018 cả nước nhập khẩu khoảng 500 triệu USD giống vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi, trong đó có: lợn giống, gia cầm giống, thịt các loại, trâu bò sống (giảm 12,3% về số lượng nhập so với năm 2017). Ngoài ra, nhập khẩu gần 18 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

- Về xuất khẩu: năm 2018 cả nước xuất khẩu khoảng 500-550 triệu USD sản phẩm chăn nuôi (gồm thịt lợn sữa và thịt lợn các loại đông lạnh, trứng vịt muối, mật ong, sữa và các sản phẩm từ sữa) và khoảng 400-450 triệu USD nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU 

Thức ăn gia súc và nguyên liệu:

Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (TĂCN & NL) trong tháng 11/2018 đạt 319 triệu USD, giảm 4,19% so với tháng trước đó nhưng tăng 23,19% so với cùng tháng năm ngoái. Các thị trường chính cung cấp TĂCN & NL cho Việt Nam trong tháng 11/2018 vẫn là Argentina, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc,… Trong đó, Argentina trở thành thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với 137 triệu USD, tăng 13,97% so với tháng trước đó và tăng 64,5% so với cùng tháng năm ngoái, nâng kim ngạch nhập khẩu TĂCN & NL từ nước này trong 11  tháng đầu năm 2018 lên hơn 1,1 tỉ USD, chiếm 32,3% thị phần.

Kế đến là thị trường Mỹ với kim ngạch nhập khẩu trong tháng 11/2018 đạt hơn 57 triệu USD, giảm 10,67% so với tháng 10/2018 nhưng tăng 48,86% so với cùng tháng năm trước. Tính chung, trong 11 tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã nhập khẩu TĂCN & NL từ thị trường này đạt hơn 624 triệu USD, tăng 166,37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng thứ ba là Ấn Độ, với kim ngạch nhập khẩu hơn 24 triệu USD, tăng 92,18% so với tháng trước đó và tăng 41,55% so với cùng tháng năm trước, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2018 lên hơn 176 triệu USD, tăng 35,57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung, trong 11 tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã chi hơn 3,5 tỉ USD nhập khẩu TĂCN & NL, tăng 18,62% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh  trong thời gian này là: Brazil với 424 triệu USD, tăng 213,8% so với cùng kỳ, Mỹ với 624 triệu USD, tăng 166,37% so với cùng kỳ, Chile với hơn 24 triệu USD, tăng 157,97% so với cùng kỳ, sau cùng là Mexico với hơn 3,8 triệu USD, tăng 77,97% so với cùng kỳ.

Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 11/2018 đạt 136 nghìn tấn với kim ngạch đạt 32  triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 11 tháng đầu năm 2018 lên hơn 4,7 triệu tấn, với trị giá hơn 1,1 tỉ USD, tăng 10,31% về khối lượng và tăng 23,61% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 11 tháng đầu năm 2018 là Nga chiếm 55% thị phần; Australia chiếm 23%, Canada chiếm 7%, Mỹ chiếm 6% và Brazil chiếm 1%.

Chỉ có một số thị trường nhập khẩu lúa mì tăng mạnh cả về khối lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2017 là Mỹ và Nga. Trong 11 tháng đầu năm 2018, thị trường Nga về lượng tăng  hơn 6 lần và về trị giá tăng hơn 7 lần. Tương tự, Mỹ cùng tăng hơn 6 lần cả về lượng và trị giá.

Đậu tương: 

Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 11/2018 đạt 256 nghìn tấn với giá trị hơn 101 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương trong 11 tháng đầu năm 2018 lên hơn 1,7 triệu tấn và 728 triệu USD, tăng 15,98% về khối lượng và tăng 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Ngô: 

Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 11/2018 đạt hơn 955 nghìn tấn với trị giá đạt 203 triệu USD, nâng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 11 tháng đầu năm 2018 lên  hơn 9,1 triệu tấn, trị giá hơn 1,9 tỉ USD, tăng 26,31% về khối lượng và 34,79% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Argentina và Brazil là hai thị trường nhập khẩu ngô chính, chiếm lần lượt là 50% và 18% thị phần. Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2018 nhập khẩu ngô của thị trường Thái Lan giảm mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Sắn và các sản phẩm từ sắn XK:

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11 năm 2018 ước đạt 228 nghìn tấn với giá trị đạt 101 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,2 triệu tấn và 886 triệu USD, giảm 36,3% về khối lượng và giảm 2,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong 10 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 86,9% thị phần, giảm 37,2% về khối lượng và giảm 3,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com

Tình hình chăn nuôi cả nước năm 2018

Chia sẻ:

KP. Hiệp Thắng, P. Bình Thắng, TX. Dĩ An, Bình Dương

Tel/Fax:    0274 3739 899

Email:         iasvn@iasvn.vn

Website:    iasvn.vn

© Copyright 2018 www.iasvn.vn, all rights reserved

Thiết kế và phát triển bởi Webso.vn