Nghiên cứu chọn lọc và lai tạo nhằm nâng cao khả năng sản xuất bò thịt ở việt nam

TS. Đinh Văn Cải

TÓM TẮT

1/ Bò cái sinh sản Brahman trắng gốc Cuba nuôi tại An Nhơn và An Phú (n=100) có khối lượng trung bình 422kg. Tỷ lệ đẻ bình quân năm 61%-75%, hệ số phối đậu 1,4-1,74, tỷ lệ đậu thai lần phối đầu 45,45% và khoảng cách lứa đẻ 482-598 ngày. Bê con sinh ra tại Việt nam (n=114) có khối lượng 23,6kg, 6 tháng tuổi 137kg, tăng trọng bê con giai đọan bú mẹ đạt trên 620 gam/ngày. Trong điều kiện nuôi đủ dinh dưỡng bò cái hậu bị Brahman 18 tháng tuổi đạt khối lượng 286 kg, tăng trọng bình quân trên 400 gam/ngày. Chỉ tiêu sinh sản của bò cái thế hệ 1 được cải thiện hơn so với thế hệ gốc. Bê đực vỗ béo (n=5) có thể đạt tăng trọng trên 900 gam/ngày. Bò Brahman có ngọai hình đẹp, dễ nuôi, ít bệnh tật, phù hợp thị hiếu người chăn nuôi miền Trung.

2/ Đã nghiên cứu trên tổng số 260 bò cái tơ giống Droughtmaster thuần có tuổi từ 16-24 tháng được nhập từ Úc (2002-2003) nuôi tại 5 cơ sở phía nam.  Khối lượng bò trưởng thành 452kg (dao động từ 365-560kg). Tuổi phối giống lần đầu 24,0 tháng. Tỷ lệ phối giống đậu thai lần đầu 62,07%. Hệ số phối đậu 1,79. Thời gian mang thai 284,34 ngày (n=29). Thời gian phối lại sau khi đẻ 183,8 ngày. Khoảng cách lứa đẻ 474,4 ngày. Các chỉ tiêu này phụ thuộc nhiều vào kĩ thuật chăm sóc nuôi dưỡng ở mỗi trại. Khối lượng bê Dr. sơ sinh (mẹ đẻ lứa đầu) từ 20kg- 24kg. Khối lượng 6 tháng tuổi 148,3kg, 18 tháng tuổi 338kg. và 24 tháng tuổi 420kg. Tăng trọng giai đọan 0-12 tháng tuổi đạt trên 600gam/ngày. Bò mẹ và bê con thích nghi tốt với môi trường nóng ẩm ít bệnh tật vì vậy có thể nhân thuần giống bò này tại các tỉnh phía Nam.

3/ Các con lai F1 Charolais (n=17), F1 Droughtmaster (n=46) và F1 Brahman (n=79) đều sinh trưởng và thích nghi rất tốt với phương thức chăn nuôi thâm canh và bán thâm. Khối lượng 12 tháng tuổi so với bê lai Sind (167kg), bê F1 Charolais (245kg) cao hơn 43,96%, bê F1 Droughtmaster (215kg)  26,28% và bê F1 Brahman (193kg) 13,54%. Tương tự tại 24 tháng tuổi F1 Charolais (395kg) cao hơn 42,84%, bê F1 Droughtmaster (356kg) 28,68% và bê F1 Brahman (318kg) 15,04% so với lai Sind (276kg). Vỗ béo bò đực lai với khẩu phần có tỷ lệ thức ăn tinh cao (60-70%), bò lai Sind tăng trọng 833gr,  F1 Droughtmaster 891gr, F1 Brahman 1104gr và cao nhất là nhóm bò F1 Charolais 1148 gr/ngày. Hiệu quả sử dụng năng lượng cho 1kg khối lượng tăng tương ứng: 19,4;   19,8; 16,2 và  15,6Mcal ME/kg.

4/ Bước đầu nghiên cứu đặc điểm di truyền tính trạng khối lượng và đánh giá giá trị giống của tổng số 156 con bò gồm các giống Droughtmaster thuần, Lai Sind, FBrahman; F1 Charolais; FDroughtmaster cho thấy: Hai nguồn giống bố là Charolais và Droughtmaster có ảnh hưởng cao đến khối lượng đời sau; Các phẩm giống F1Charolais, F1Droughtmaster và Droughtmaster cho tăng trọng cao hơn các phẩm giống khác. Các tính trạng khối lượng từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi di truyền rất mạnh và tương quan rất chặt chẽ (hệ số di truyền cao và hệ số tương quan di truyền cao). Có thể chọn lọc cá thể để cải tiến các tính trạng sinh trưởng nói trên.

5/ Đã tính tóan hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò thịt trên 5 giống thuần và con lai kết quả cho thấy: Giá bò bán giống trên 50.000đ/kg, giá bán thịt trên 20000đ/kg, giá bình quân gia quyền cho 1kg khối lượng sống khỏang trên dưới 40000đ/kg. Giá này  khá hấp dẫn để bảo đảm chăn nuôi bò thịt có lời. Tỷ suất sinh lời của vốn đầu tư (ROI) trung bình ở các nhóm giống bò thịt là 1,68%. Tỷ suất sinh lời của F1 Droughtmaster (4,06%)> F1 Brahman (2,96%) > Droughtmaster (1,48%) > F1 Charolais (0,98) > lai Sind (0,13-0,47%). Giá thức ăn xanh thấp hơn 150đ/kg, giá bò cái tơ thay đàn thấp hơn 40.000đ/kg, và giá thuê đất  thấp hơn 1triệu đ/ha/năm thì mới đảm bảo nuôi bò thịt có lời.

Nghiên cứu chọn lọc và lai tạo nhằm nâng cao khả năng sản xuất bò thịt ở việt nam

Chia sẻ:

KP. Hiệp Thắng, P. Bình Thắng, TX. Dĩ An, Bình Dương

Tel/Fax:    0274 3739 899

Email:         iasvn@iasvn.vn

Website:    iasvn.vn

© Copyright 2018 www.iasvn.vn, all rights reserved

Thiết kế và phát triển bởi Webso.vn