Ảnh hưởng của peptide tôm thủy phân lên năng suất và màu sắc gà ri Hải Phòng

Ảnh hưởng của peptide tôm thủy phân lên năng suất và màu sắc gà ri Hải Phòng
– Ngành chăn nuôi gà thịt đóng góp quan trọng cho nông nghiệp Việt Nam, song nông dân hiện đối mặt với nhiều thách thức như chi phí thức ăn cao do nhập khẩu nguyên liệu, chế độ dinh dưỡng giàu đạm thô, các vấn đề về khí hậu và vắc xin không hiệu quả. Protein tôm thủy phân, với đặc tính dễ tiêu hóa và phong phú về chức năng sinh học, được chứng minh là giải pháp hiệu quả. Bổ sung 1% protein tôm thủy phân vào khẩu phần ăn giúp tăng trọng lượng và cải thiện ngoại quan của gà thịt trong giai đoạn trước khi xuất bán, nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm. Protein tôm thủy phân có tiềm năng như một nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bền vững, hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gà thịt.
 
Gà thịt thương phẩm là một mắt xích quan trọng trong ngành chăn nuôi gia cầm lấy thịt, đem lại giá trị kinh tế cao nhờ vào khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thịt trắng khổng lồ của không chỉ riêng thị trường Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gà thịt hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức như chế độ ăn giàu đạm thô không thích hợp với đường ruột ngắn, nguy cơ nhiễm độc tố nấm mốc từ thức ăn, ảnh hưởng tiêu cực từ stress nhiệt do đặc trưng khí hậu Việt Nam và tác dụng phụ từ vắc xin phòng bệnh (Bryan et al., 2019; Murugesan et al., 2015; Al-Zghoul et al., 2019; Li et al., 2020).
 
Hiện nay, các giải pháp thay thế như sử dụng đạm dễ tiêu và bổ sung axit amin, hoặc áp dụng các biện pháp probiotic và prebiotic để hỗ trợ tiêu hóa đều gặp phải hạn chế về chi phí và nguồn cung. Đối với các phương pháp xử lý nấm mốc, từ vật lý như cơ học và nhiệt học, hóa học như chlorine và sodium hydroxide, hay sinh học như than hoạt tính và bentonite, mỗi cách đều có những bất lợi riêng, từ chi phí cao đến nguy cơ cạnh tranh hấp thu chất dinh dưỡng với gà (Oliveira et al., 2018).
 
Trong bối cảnh này, peptide tôm thủy phân là một giải pháp bền vững, cung cấp một nguồn đạm dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng, có khả năng thay thế một phần hoặc toàn bộ bột cá và bột đậu nành phổ biến trong khẩu phần ăn của gà nuôi, đặc biệt nguồn cung dồi dào.
 
Peptide được định nghĩa là một chuỗi gồm từ 2 đến 71 amino axit liên kết với nhau thông qua liên kết peptide. Nhờ vào mạch phân tử ngắn nên di-peptide, tri-peptide và axit amin tự do có thể được hấp thụ trực tiếp qua thành ruột, từ đó nâng cao hiệu suất hấp thu của gà và hạn chế tình trạng khó tiêu (Gilbert et al., 2008).
 
Bên cạnh đó, peptide còn đem tới giải pháp bổ trợ sức khỏe, giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh nhờ vào các hoạt tính sinh học. Sức khỏe đường ruột được hỗ trợ nhờ vào việc peptide có thể cải thiện hình thái ruột, tăng chiều cao nhung mao, giúp tăng khả năng hấp thụ và tiêu hóa đạm và chất khô (Leduc et al., 2018). Vi khuẩn gây bệnh đường ruột cũng bị ngăn ngừa tiếp xúc và xâm nhập nhờ vào lớp chất nhầy được tăng sinh bao phủ thành ruột, kèm sự tăng cường hàng rào vật lý bảo vệ từ sự tăng cường các mối nối ruột (Kiewiet et al., 2018).
 
Vật nuôi khi tiếp xúc với peptide có thể được kích thích hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng theo 2 cách: trực tiếp kích thích sản sinh hoạt chất miễn dịch, hoặc gián tiếp kích hoạt biểu hiện gen báo hiệu cho hệ miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập (Gisbert et al., 2018; Leduc et al., 2018).
 
Một phát hiện tuyệt vời khác, một số các peptide mạch ngắn có thể tác động lên vi khuẩn và nấm, tác động lên màng tế bào của các vi sinh vật này bằng tương tác tĩnh điện, dẫn đến khả năng ức chế hoặc tiêu diệt các vi sinh vật (Moravej et al., 2018). Ngoài ra, các peptide này cũng có thể tăng cường khả năng chống oxy hóa và giảm stress của vật nuôi nhờ vào khả năng trung hòa trực tiếp các gốc tự do hay sản sinh các enzyme giúp chống oxy hóa một cách gián tiếp (Yang et al., 2018; Zeng et al., 2013; Gunathilaka et al., 2020).
 
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, protein thủy phân chứa hỗn hợp peptide không những giúp tăng trưởng gà nuôi mà còn cải thiện sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch, giảm thiểu tác động tiêu cực của độc tố nấm mốc và stress nhiệt, đồng thời giảm tác dụng phụ của tiêm chủng vắc xin. Hơn nữa, peptide còn có thể hỗ trợ gà thịt ở giai đoạn tăng trọng hiệu quả với hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp hơn và cải thiện chất lượng thịt, bao gồm màu sắc và kết cấu thịt, giúp sản phẩm cuối cùng hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Bảng 1 thể hiện một số nghiên cứu đã thử nghiệm việc ứng dụng peptide lên gà thịt cho kết quả khả quan.
 
Bảng 1. Một số nghiên cứu ứng dụng protein thủy phân trong chăn nuôi gà thịt

Nguồn protein thủy phân

Liều sử dụng

Đối tượng

Kết quả

Nguồn

Phụ phẩm lông vũ

Thay thế một phần bột đậu nành ở liều 20% và 30% trong chế độ ăn hằng ngày.

Nuôi gà thịt ở giai đoạn 8-35 ngày tuổi.

Gà tiêu thụ thức ăn nhiều hơn lên đến 17,5%, tăng nhiều cân hơn lên đến 16,6% so với các gà nuôi ăn chế độ chỉ có bột đậu nành.

(Chaudhary & Pati, 2016)

Cá kilka

Thay thế một phần bột đậu nành ở liều 2,5%; 5%; 7,5% trong chế độ ăn hằng ngày.

Nuôi gà thịt ở giai đoạn 1-42 ngày tuổi.

– Tăng phân bổ khối lượng của thịt đùi.
– Giảm lượng coliform, enterobacter, và tổng vi khuẩn Gram âm trong ruột gà.
– Tăng khối lượng và chiều dài của hỗng tràng.
– Việc thay thế một phần không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của đàn.

(Alizadeh-Ghamsari et al., 2023)

Dầu hạt cải

Bổ sung ở lượng 100, 150, 200, 250 mg/kg thức ăn hằng ngày.

Nuôi gà thịt ở giai đoạn 1-43 ngày tuổi.

– Tăng trọng lượng gà và giảm FCR.
– Giảm cholesterol và triglyceride trong máu.
– Tăng khả năng chống oxy hóa trong thông qua tăng hoạt động của các enzyme lysozyme và superoxide dismutase trong máu.

(Karimzadeh et al., 2017)

Nội tạng cá hồi

Bổ sung ở tỷ lệ 5% thay thế 50% bột cá, 10% thay thế toàn bộ bột cá trong chế độ ăn hằng ngày.

Nuôi gà thịt ở giai đoạn 0-28 ngày tuổi.

– Tăng chỉ số tăng trọng ngày (ADG).
– Tăng chiều cao và diện tích  hấp thụ dinh dưỡng của nhung mao.

(Opheim et al., 2016)

Đậu

Bổ sung ở lượng 2, 4, 6, 8 g/kg thức ăn hằng ngày.

Nuôi gà thịt ở giai đoạn 3-38 ngày tuổi.

– Giảm FCR vào cuối kỳ thử nghiệm.
– Tăng chiều cao nhung mao và số lượng tế bào dài chuyên sản sinh chất nhầy cho ruột. 
– Tăng cường hệ chuyển hóa và miễn dịch của gà.

(Tolba et al., 2023)

Bổ sung ở tỷ lệ 2; 5; 5,0; 7,5% trong thức ăn hằng ngày.

Nuôi gà thịt ở giai đoạn 1-44 ngày tuổi.

– Tăng cảm quan của thịt xuất bán.
– Xuất hiện vị umami trong nước dùng gà và phi lê gà luộc.
– Tăng độ giữ nước của thịt.

(Shaviklo et al., 2021)

 
Trong các nguồn peptide hiện có trên thị trường, protein tôm thủy phân được đánh giá là một giải pháp thay thế tiềm năng cho nguồn bột cá hay bột đậu nành đang có hàm lượng peptide tương đối cao. Đây là nguồn protein thủy phân bằng enzyme được sản xuất từ đầu vỏ tôm hiện đang tồn tại lượng lớn ở Việt Nam, chứa đa dạng và đầy đủ 10 loại amino axit cần thiết theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của gà nuôi. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu về ứng dụng nguồn protein thủy phân tôm lên chăn nuôi gà thịt còn vô cùng hạn chế.
 
Từ những tiền đề trên, thử nghiệm bên dưới được lập nhằm nghiên cứu về hiệu quả sử dụng bổ sung protein tôm thủy phân ảnh hưởng lên khả năng tăng trọng và mã ngoài của gà thịt từ 80 ngày tuổi, từ đó đánh giá hiệu quả kinh tế sau khi xuất bán.
 
THỬ NGHIỆM ỨNG DỤNG PROTEIN TÔM THỦY PHÂN
 
Vật liệu
 
Thử nghiệm được thực hiện tại bởi Công ty CP Việt Nam Food (VNF) và Công ty CP ABC Việt Nam (ABC) tại 2 trại gà khách hàng của ABC ở huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương vào tháng 01/2024. Ở mỗi trại, đối tượng thử nghiệm là 3.600 con gà trống, giống gà Ri Hải Phòng ở vào khoảng 80 ngày tuổi đang bước vào giai đoạn vỗ béo cho tới khi xuất bán. Trước đó, các con gà này được nuôi chung chuồng với các gà mái với tổng đàn gồm 6.000 con.
 
Bảng 2. Tóm tắt thông tin thiết kế thử nghiệm tại trại 1 và trại 2

Địa điểm trại

Số lượng gà trống

Số ngày tuổi ở đầu kỳ thử nghiệm

KLTB đầu vào(*)

Số ngày thử nghiệm theo dõi

Trại 1: Trần Quang Thịnh

3.605

80 ngày

2,0 kg/con

18 ngày

Trại 2: Trần Đức Hưng

3.600

81 ngày

2,1 kg/con

19 ngày

(*) Số liệu khối lượng trung bình (KLTB) gà đầu vào được ghi nhận giá trị trung bình từ việc cân đại diện ít nhất 50 con.

Hình 1. Gà trống trước thử nghiệm tại trại 1 (bên trái) và trại 2 (bên phải)
 
Sản phẩm protein tôm thủy phân với chỉ tiêu protein đạt hơn 20% sử dụng cho thử nghiệm được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Việt Nam Food. Protein tôm thủy phân được pha loãng với nước trước khi trộn trực tiếp vào thức ăn hằng ngày của trại bằng cối trộn bê tông loại nhỏ. Sau bước này, hỗn hợp thức ăn sẽ được để ráo 15 phút trước khi cho vào máng ăn của gà thử nghiệm.

Hình 2. Thiết bị cối trộn bê tông loại nhỏ tại 2 trại
 
Phương pháp nghiên cứu
 
Ở nghiệm thức thử nghiệm tại mỗi trại, thức ăn hoàn chỉnh theo quy trình trại được trộn bổ sung với protein tôm thủy phân tại tất cả cữ ăn. Gà được nuôi theo chế độ ăn với khối lượng thức ăn đạt 120-140 g/con/ngày theo quy trình của trại. Lượng thức ăn được điều chỉnh cân đối phụ thuộc vào thời gian ăn và lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày được theo dõi.
 
Vào 3 ngày thử nghiệm đầu tiên, lượng peptide trộn thêm sử dụng theo tỷ lệ 0,5% và tình trạng phân được theo dõi đánh giá. Sau khoảng thời gian này, lượng peptide bổ sung tăng lên 1% và giữ nguyên cho đến cuối kỳ thử nghiệm.
 
Về đối chứng cho thử nghiệm, các giá trị đối chứng được khảo sát và lấy giá trị trung bình từ thị trường hoặc từ các trại gà khác. Các dữ liệu về lượng thức ăn sử dụng và chỉ số tăng trọng ngày (ADG), hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), chất lượng thịt, tỷ lệ hao hụt được theo dõi và ghi nhận hàng ngày. Mã ngoài của gà gồm lông, da, màu chân được ghi nhận bằng mắt thường lúc xuất chuồng.
 
Kết quả và thảo luận
 
Hiệu quả vỗ béo và tăng mã ngoài
 
Sau giai đoạn thử nghiệm với peptide tôm bổ sung vào thức ăn, gà ở 2 trại được đem đi xuất bán với KLTB lần lượt là 2,77 kg/con sau 18 ngày ở trại 1 và 2,68 kg/con sau 19 ngày ở trại 2, tức đã tăng lần lượt với con số đáng kể 38,5% và 27,6%.
 
Ngoài ra, đáng chú ý là chỉ số tăng trọng ngày của trại 1 được xác định là 42,78 g/con/ngày, tăng đến 42,6% so với giá trị lấy từ khảo sát trung bình trên thị trường là 30,00 g/con/ngày. Bên cạnh đó, hệ số chuyển đổi thức ăn (FGR) cũng được ghi nhận giảm nhẹ 1-5% với giá trị lần lượt là 2,85 ở trại 1 và 2,96 ở trại 2.
 
Bảng 3. Kết quả của hiệu quả vỗ béo của trại 1 và trại 2 sau thời gian thử nghiệm

 

Đơn vị tính

Trại 1 (Anh Thịnh)

Trại 2 (Anh Hưng)

KLTB đầu vào

kg/con

2,00

2,10

KLTB xuất bán

kg/con

2,77

2,68

Thời gian nuôi

ngày

18

19

Hình 3. Chỉ số tăng trọng ngày (ADG) và Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của trại 1 và trại 2 sau thời gian thử nghiệm, so với giá trị trung bình khảo sát từ thị trường.
 
Về mã ngoài của gà, qua quan sát bằng mắt thường có thể thấy mã ngoài đã được cải thiện so với các lứa nuôi trước.

Hình 4. Mã ngoài của gà trống xuất bán của trại 1
 
Hiệu quả kinh tế
 
Sau giai đoạn thử nghiệm, việc bổ sung peptide tôm có thể tăng ADG lên đến 43%, giảm FCR xuống 5%, và nhờ vào mã ngoài của gà được người mua đánh giá đẹp hơn, lợi nhuận từ việc xuất bán gà của lứa thử nghiệm có thể tăng lên đến 20% so với trung bình các lứa nuôi trước tại hai trại.

Hình 5. Hiệu quả kinh tế của việc bổ sung peptide tôm tính trung bình tại 2 địa điểm trại thử nghiệm
 
KẾT LUẬN
 
Protein tôm thủy phân là một giải pháp phù hợp và đầy tiềm năng cho ngành công nghiệp chăn nuôi gà thịt. Việc bổ sung 1% protein tôm thủy phân vào thức ăn hoàn chỉnh có thể giúp cải thiện tăng trưởng lên giai đoạn vỗ béo và tăng mã ngoài của gà trống trước khi xuất bán. Việt Nam hiện nay đang có một tiềm lực vô cùng lớn để sản xuất nguồn protein tôm thủy phân chất lượng cao từ lượng phụ phẩm nuôi tôm và diện tích nuôi tôm lớn. Việc sử dụng nguyên liệu nội địa cũng sẽ giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, giúp tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi gà nói riêng và ngành nông nghiệp nước nhà nói chung.
 
Nguyễn Thị Giang Anh¹, Nguyễn Đức Tuấn¹, Nguyễn Hoàng Nhung¹, Ngô Hồng Phượng²,Nguyễn Thị Nhung³, Nguyễn Văn Tiến³
 
¹Công ty Cổ phần Việt Nam Food;
²Bộ môn Dinh dưỡng, Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh;
³Công ty Cổ phần ABC Việt Nam
 
Tác giả liên hệ trực tiếp: Ngô Hồng Phượng, Bộ môn Dinh dưỡng, Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh
Email: phuong.ngohong@hcmuaf.edu.vn