Nghiên cứu các biên pháp kỹ thuật nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất của trâu

PGS.TS.Đinh Văn Cải

Tham gia nghiên cứu: ThS. Đậu Văn Hải, ThS. Nguyễn Thị Thu Hồng, TS. Nguyễn Hữu Trà, ThS. Nguyễn Đức Chuyên, Hàn Quốc Vương, TS. Phan Văn Kiểm, Lưu Công Hòa, ThS. Thái Khắc Thanh, Hoàng Khắc Hải, ThS. Tống Văn Giáp.

Tóm tắt

Đề tài thực hiện từ năm 2009-2012, từ số liệu điều tra đã hình thành 7 thí nghiệm nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất của trâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Khối lượng trâu đực giống thấp 402-460kg, rất hiếm trâu đực có ngoại hình và thể trạng tốt. Khoảng cách lứa đẻ ở trâu cái sinh sản trung bình 20,45 tháng và tuổi đẻ lứa đầu ở trâu cái tơ trung bình 45,34 tháng. Khối lượng của nghé tại các mốc 6 tháng 12; 24 và 36 tháng tuổi tương ứng là 117,9 kg; 183,3 kg; 274,3 kg và 340,5 kg. Thời điểm phối giống tốt nhất cho trâu cái nội động dục tự nhiên là từ 18-24 giờ kể từ khi phát hiện trâu cái có dấu hiệu động dục và sau 6-9 giờ phối lặp lại lần 2, kỹ thuật này đạt tỷ lệ trâu có chửa từ 60,87 đến 66,67% qua 2 chu kì phối giống. Trâu cái nội đáp ứng tốt với hormone gây động dục đồng loạt, tỷ lệ trâu động dục đạt từ 69,17-73,79%, thời gian xuất hiện động dục tập trung vào ngày thứ 4 sau xử lí. Tỷ lệ trâu có chửa qua 2 chu kì phối đạt từ 49,17- 64,08% trên số trâu xử lí. Chương trình xử lí kết hợp hormone GnRH+ PGF+ Oestrogen +TAI hoặc sử dụng kết hợp CIDR+ GnRH+ PGF2α +TAI cho kết quả tốt hơn về tỷ lệ trâu có chửa, đơn giản về kỹ thuật, rất phù hợp cho chương trình phối giống nhân tạo trâu tập trung vào thời điểm chủ động trong năm. Sử dụng liều kép prostaglandin F2α cách nhau 10 ngày cho kết quả tốt trong điều trị trâu cái chậm sinh do thể vàng tồn lưu, tỷ lệ trâu động dục sau điều trị đạt 71,12%. Phối bắt buộc cho trâu vào ngày thứ 14-15 sau điều trị, tỷ lệ trâu có chửa đạt 54,9% so với trâu được phối và đạt 39% so với trâu được điều trị. Nghé nội sinh ra từ đực chọn lọc có khối lượng lúc 6 tháng và 12 tháng tuổi cao hơn tương ứng là 7,2% và 9,3%, tăng trọng từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi cao hơn 10% so với nghé nội sinh ra từ đực đại trà chưa được chọn lọc. Nghé con được bổ sung thức ăn đầy đủ trong giai đoạn 0-6 tháng tuổi có khối lượng cao hơn từ 10-10,2%, tăng trọng cao hơn 11,4% so với nhóm nuôi theo truyền thống. Trâu mẹ được bổ sung thức ăn trong giai đoạn nuôi con, kết hợp với kĩ thuật phát hiện động dục đã rút ngắn khoảng cách lứa đẻ 50 ngày, còn 15,2 tháng/lứa. Trong điều kiện nuôi dưỡng tốt, tăng trọng của nghé lai F1 Murrah đạt trên 600 gam/ngày giai đoạn bú sữa (0-6 tháng tuổi) và gần 500 gam/ngày giai đoạn 7-12 tháng tuổi để đạt khối lượng 145 kg vào lúc 6 tháng tuổi và 233 kg vào lúc 12 tháng tuổi. So với nghé nội cùng tuổi, cùng điều kiện nuôi dưỡng, khối lượng nghé lai F1 cao hơn 20,5%.

Từ khóa: Động dục đồng loạt, Đực chọn lọc, nghé lai F1 Murrah, trâu nội.

Nghiên cứu các biên pháp kỹ thuật nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất của trâu

Chia sẻ:

KP. Hiệp Thắng, P. Bình Thắng, TX. Dĩ An, Bình Dương

Tel/Fax:    0274 3739 899

Email:         iasvn@iasvn.vn

Website:    iasvn.vn

© Copyright 2018 www.iasvn.vn, all rights reserved

Thiết kế và phát triển bởi Webso.vn